Công tác cốt thép
7.2.1. Các yêu cầu của kỹ thuật
Cốt thép đưa vào thi công là thép đạt được các yêu cầu của thiết kế, có chứng chỉ kỹ thuật kèm theo và cần lấy mẫu thí nghiệm kiểm tra theo TCVN 4453-1995.
Cốt thép trước khi gia công và trước khi đổ bê tông cần đảm bảo:
– Bề mặt sạch, không dính bùn đất, dầu mỡ, không có vẩy sắt và các lớp gỉ
– Các thanh thép không bị bẹp, bị giảm tiết diện do làm sạch hoặc các nguyên nhân khác không vượt quá giới hạn cho phép là 2% đường kính. Nếu vượt quá giới hạn này thì loại thép đó được sử dụng theo diện tích tiết diện thực tế còn lại.
– Cốt thép cần được kéo, uốn và nắn thẳng.
– Cốt thép sau khi gia công lắp dựng vẫn phải đảm bảo đúng hình dạng kích thước, đảm bảo chiều dầy lớp bảo vệ.
– Trước khi sử dụng phải xuất trình chứng chỉ xuất xưởng của thép theo các chỉ tiêu cơ lý.
– Việc kiểm tra cốt thép đã cắt và uốn theo từng lô, mỗi lô gồm 100 thanh cùng loại, lấy 5 thanh bất kỳ để kiểm tra, các trị số sai lệnh phải nhỏ hơn các giá trị đã ghi trong bảng 4 của TCVN 4453:1995.
7.2.2. Gia công cốt thép
Cốt thép sẽ được gia công theo thiết kế tại kho của công trường theo tiến độ thi công. Việc gia công cốt thép tại kho của công trình theo phương án này sẽ khắc phục được các sai sót, đảm bảo gia công được chính xác đạt theo đúng yêu cầu của thiết kế, có điều kiện phối hợp chính xác với các bộ phận nhằm đảm bảo yêu cầu thi công đúng theo tiến độ đề ra. Trong quá trình gia công sẽ sắp xếp thành từng chủng loại, từng cấu kiện riêng để tránh nhầm lẫn.
Cắt và uống thép:
– Sử dụng bàn nắn, vam nắn để nắn thẳng cốt thép với d =< 16; với d>= 16 thì dùng máy nắn cốt thép.
– Cạo gỉ tất cả các thanh bị gỉ.
– Với các thép d<=20 thì dùng dao, xấn, trạm để cắt. Với thép d> 20 thì dùng máy để cắt.
– Uốn cốt thép theo đúng hình dạng và kích thước thiết kế ( với thép d <12 thì uốn bằng tay, d>= 12 thì uốn bằng máy).
Hàn cốt thép:
Thiết bị thi công chính là máy hàn
Các mối hàn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
-Bề mặt nhẵn, không cháy, không đứt quãng, khung thu hẹp cục bộ và không có bọt, không ngậm xỉ.
– Đảm bảo chiều dài và chiều cao đường hàn theo đúng thiết kế.
7.2.3. Bảo quản cốt thép sau khi gia công
– Sau khi gia công, cốt thép được bó thành bó có đánh số và xếp thành từng đống theo từng loại riêng biệt để tiện sử dụng.
– Các đống được để ở cao 30 cm so với mặt nền kho để tránh bị gỉ. Chiều cao mỗi đống <1,2m, rộng < 2m.
7.2.4. Lắp dựng, vận chuyển cốt thép
Công tác vận chuyển và lắp dựng cốt thép phải phù hợp với điều 4.6 của TCVN 4453:1995 và đảm bảo các quy định chung sau:
– Thép đến hiện trường không bị cong vênh.
– Trước khi lắp dựng thanh nào bị gỉ, bám bẩn phải được cạo, vệ sinh sạch sẽ.
– Lắp đặt cốt thép đúng vị trí, đúng số lượng, quy cách theo thiết kế cụ thể cho từng kết cấu.
– Đảm bảo khoảng cách giữa các lớp cốt thép ( dùng trụ đỡ bằng bê tông hoặc cốt thép đuôi cá).
– Với các thanh vượt ra ngoài khối đổ phải được cố định chắc chắn tránh rung động làm sai lệch vị trí.
– Các con kê được đặt tại các vị trí thích hợp tùy mật độ cốt thép nhưng không được lớn hơn 1m một điểm kê. Con kê được đúc bằng vữa xi măng mác cao có chiều dày bằng lớp bê tông bảo vệ cốt thép. Trong các trường hợp khác, con kê được làm bằng các vật liệu không an mòn cốt thép, không phá huy bê tông và phải được Chủ đầu tư đồng ý. Với cốt thép sàn để đảm bảo khoảng cách giữa 2 lớp cốt thép phải dùng con kê bằng ngựa thép.
– Chủ yếu sử dụng phương pháp buộc để liên kết các thanh cốt thép lại với nhau. Hạn chế sử dụng phương pháp hàn tại công trường để buộc thép. Trong các trường hợp, chỉ sử dụng nối bằng phương pháp hàn cho các loại cốt thép có đường kính lớn hơn 10 mm. Các mối hàn hoặc mối buộc phải đảm bảo đủ chiều dài đường hàn và chiều dài mối nối buộc.
– Trong mọi trường hợp các góc của các thanh thép đai với thép chịu lực được buộc toàn bộ.
– Các thép chờ của các hạng mục còn lại, thép chờ cột để liên kết với tường xây phải để sẵn trước khi tiến hành đổ bê tông.
7.2.5. Lắp đặt cốt thép một số kết cấu cụ thể
7.2.5.1. Dựng buộc cốt thép cột
– Kiểm tra vị trí cột.
– Cốt thép có thể được gia công thành khung sẵn rồi đưa vào ván khuôn đã ghép trước 3 mặt.
– Trường hợp dựng buộc tại chỗ thì bắt đầu từ thép móng, đặt cốt thép đúng vị trí rồi nối bằng buộc hoặc hàn, lồng cốt đai từ trên xuống và buộc với thép đứng theo thiết kế. Chú ý phải đảm bảo chiều dày lớp bảo vệ.
7.2.5.2. Cốt thép dầm
– Chọn một số mẩu gỗ kê ngang ván khuôn để đỡ thép.
– Với các thanh nối thì phải chọn chỗ có mô men uốn nhỏ nhất.
– Dùng thước gỗ đánh dấu vị trí cốt đai vào, nâng hai thanh thép chịu lực lên chạm khít cốt đai rồi buộc, buộc hai đầu vào giữa, xong lại đổi 2 thanh thép dưới lên buộc tiếp.
– Sau khi buộc xong cốt đai thì hạ khung thép vào ván khuôn, hạ từ từ bằng cách rút dần các thanh gỗ kê ra.
7.2.5.3. Cốt thép sàn
– Chọn một số mẩu gỗ kê ngang ván khuôn để đỡ thép.
– Dùng thước gỗ đánh dấu vị trí đưa cốt thép vào, nâng hai thanh thép chịu lực lên chạm khít cốt đai rồi buộc, buộc hai đầu vào giữa, xong lại đổi 2 thanh thép dưới lên buộc tiếp.
– Sau khi buộc xong cốt đai thì hạ khung thép vào ván khuôn, hạ từ từ bằng cách rút dần các thanh gỗ kê ra.
7.2.6. Kiểm tra nghiệm thu cốt thép
Sau khi lắp dựng xong cốt thép vào công trình (cụ thể cho từng cấu kiện ) thì tiến hành kiểm tra và nghiệm thu cốt thép theo các phần sau:
– Sự phù hợp của các cốt thép đưa vào sử dụng so với hồ sơ thiết kế.
– Công tác gia công cốt thép : Trị số sai lệch cho phép cảu cốt thép đã gia công theo bảng 4 của TCVN 4453:1995.
– Sự phù hợp về việc thay đổi cốt thép so với thiết kế.
– Lắp dựng cốt thép : Đúng chủng loại, vị trí, kích thước và số lượng cốt thép đã lắp đặt so với thiết kế. Trị số sai lệch cho phép đối với công tác lắp dựng cốt thép cho ở bảng 9 của TCVN 4453:1995.
– Sự phù hợp của các loại thép chờ và chi tiết đăt sẵn so với thiết kế.
– Sự phù hợp của vật liệu làm con kê, mật độ các điểm kê sai lệch và chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép.
Khi nghiệm thu cốt thép phải có hồ sơ gồm:
– Các bản vẽ hoàn công có ghi đầy đủ sự thay đổi về cốt thép (nếu có) trong quá trình thi công và các biên bản nghiệm thu quyết địnhh sự thay đổi.
– Các kết quả về mẫu thử chất lượng thép, cường độ mối hàn và chất lượng gia công cốt thép.
– Các biên bản thay đổi cốt thép trên công trường so với thiết kế.
– Các biên bản nghiệm thu kỹ thuật trong quá trình gia công lắp dựng cốt thép.
– Nhật ký thi công.